Tìm hiểu local charges trong vận tải biển là gì?

Tìm hiểu local charges trong vận tải biển là gì?

Trong hoạt động xuất nhập khẩu, thuật ngữ local charges rất quen thuộc. Nhất là đối với những ai làm vị trí kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, hoặc nhân viên thu mua hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam. Việc nắm được local charges bao gồm những gì, và bao nhiêu tiền sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tính toán chi phí và giá thành sản phẩm.

Như chúng ta đã biết, vận tải biển chia ra gồm vận chuyển hàng nguyên container (FCL) và hàng lẻ container (LCL). Hai phương thức vận tải này có định mức về local charges riêng và cách tính khác nhau. Bài viết dưới đây của Đại lý XNK sẽ chia sẻ về các loại phí local charges, chia theo phương thức vận tải FCL và LCL.

Hình ảnh khai thác hàng hóa tại cầu cảng
Hình ảnh khai thác hàng hóa tại cầu cảng

Local charges là phí gì?

Local charges (hay còn gọi là phí địa phương) là loại phí hãng tàu thu của chủ hàng tại cảng xếp hàng và cảng dỡ hàng. Local charges là tổng hợp nhiều loại phí khác nhau, tùy thuộc hàng hóa là nhập khẩu hay xuất khẩu.

Khác với phụ phí (Surcharges) thường được cộng trực tiếp vào cước biển, local charges được tách riêng. Điều này giúp hãng tàu công khai minh bạch biểu phí dịch vụ của mình. Tuy nhiên, các khách hàng mới sẽ có thể nhầm lẫn hoặc không biết đến phí local charges. Chỉ khi hàng nhập về tới Việt Nam mới biết là phải trả thêm chi phí.

Phí local charges đối với hàng FCL

Hàng FCL (viết tắt của Full Container Load) là một phương thức vận chuyển đường biển phổ biến. Đối với phương thức FCL, chủ hàng có trách nhiệm đóng hàng cũng như dỡ hàng ra khỏi container. Mỗi lô hàng có thể bao gồm một hoặc nhiều container, và chỉ có một chủ hàng duy nhất.

Dưới đây là các loai phí local charges thường gặp đối với hàng FCL:

1. Phí THC (Phí cầu cảng)

THC (viết tắt của Terminal Handling Charge) là phí xếp dỡ tại cầu cảng. Phí này thực chất là phí khai thác của cảng thu các hãng tàu, và thường được công khai. Do đó, hãng tàu không cộng trực tiếp cước biển mà tách riêng ra và thu lại từ khách hàng. Phí THC bao gồm các hoạt động như tập kết container ra cầu tàu, xếp dỡ các container hàng hoá từ trên tàu xuống, phí quản lý của cảng,…

Phí THC xuất hiện cả ở hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu. Mức thu THC của mỗi hãng tàu cũng khác nhau, và phụ thuộc vào loại container: container khô, container lạnh, container cho hàng quá khổ,…

2. Phí vận đơn (Bill fee)

Loại phí thứ 2 trong local charges là phí vận đơn (Bill fee). Loại phí này chỉ xuất hiện trong hàng xuất FCL được hãng tàu hoặc forwarder thu khi phát hành vận đơn (Bill of Lading). Thường thì khách hàng sẽ hiểu nhầm rằng hãng tàu chỉ in vận đơn ra rồi thu tiền. Thự tế thì phí vận đơn bao gồm cả việc thông báo cho đại lý đầu nước nhập về vận đơn, phí theo dõi đơn hàng, quản lý đơn hàng.

3. Phí phát hành điện giao hàng (Telex release fee)

Phát hành điện giao hàng, hay còn gọi là Telex release, là một phương thức giao nhận hàng hóa mà trong đó người nhận không cần phải xuất trình vận đơn gốc (Original Bill of Lading) cho hãng tàu. Phương thức này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc gửi chuyển phát nhanh bill gốc tư nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu. Hãng tàu và forwarder sẽ thu tiền cho việc phát hành điện giao hàng. Sau khi điện giao hàng được thực hiện, trên vận đơn thường sẽ có chữ “Surrendered” hoặc “Telex released”.

4. Phí chì (Seal fee)

Phí chì, hay niêm chì (seal fee) đơn giản là phí mua chì để khóa container sau khi đóng hàng tại điểm xuất khẩu. Thông thường chủ hàng sẽ mua chì của hãng tàu luôn, bởi trên bề mặt của mỗi chì đều có ký hiệu riêng và duy nhất. Dãy số này giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát độ an toàn của hàng hóa, cũng như quản lý và theo dõi hành trình trên biển.

5. Phí khai hải quan điện tử vào nước nhập khẩu

Tại một số quốc gia phát triển, hàng hóa trước khi đi qua cửa khẩu phải được khai hải quan tự động. Hãng tàu sẽ thay mặt chủ hàng thực hiện bước này. Hiện nay có một số quốc gia cần phải khai hải quan tự động, và tương ứng với một tên phí khác nhau. Ví dụ:

– Ph- í khai AMS (Automated Manifest System): khai hải quan vào Mỹ

– Phí khai ENS (Entry Summary Declaration): kê khai sơ bộ hàng hóa vào châu Âu

– Phí khai ACI (Advance Commercial Information): khai hàng hóa vận chuyển cho hải quan Canada

– Phí khai AFR (Advance Filing Rules): khai báo trước danh sách hàng hóa với hải quan Nhật Bản

– Phí khai AFC (Advance Filling Surcharge): khai báo thông tin hàng hóa trước khi  nhập vào cảng/sân bay tại Trung Quốc.

6. Phí phát lệnh (DO fee)

Nếu như hàng xuất FCL có phí phát hành vận đơn, thì hàng nhập FCL có phí phát lệnh giao hàng (DO fee). Lệnh giao hàng (DO-Delivery Order) là chứng từ hãng tàu phát cho chủ hàng để trình cho cơ quan giám sát cảng, bãi hoặc kho CFS trước khi có thể lấy hàng. DO chính là sự xác nhận thả hàng của hãng tàu gửi đến cảng, bãi.

7. Phí vệ sinh container (Cleaning fee)

Phí vệ sinh container (Cleaning fee) là loại phí hãng tàu thu cho công tác làm sạch lại container sau khi người nhập khẩu lấy hàng về kho và trả rỗng tại các bãi container. Mỗi hàng hóa có một tính chất riêng và có thể gây hư hại, móp méo hay gây mùi cho container. Do đó hãng tàu phải thu phí này để có thể đảm bảo chất lượng vỏ container.

Phí vệ sinh container thường được chia thành 2 trường hợp:

– Vệ sinh container thông thường ( vệ sinh quét – hoặc container không có vấn đề): hãng tàu sẽ thu theo định mức thấp nhất

– Vệ sinh container phải nộp thêm: hãng tàu sẽ có định mức riêng, cao hơn áp dụng cho các mặt hàng đặc thù (rủi ro cao gây hư hại hay mùi, hỏng hóc vỏ container).

8. Phí mất cân bằng container (CIC)

Một loại phí local charges trong hàng nhập FCL nữa là phí mất cân bằng container (CIC). Phí này thường xuất hiện khi hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia và Việt Nam nhập siêu (lượng hàng nhập về nhiều hơn lượng hàng xuất đi, dẫn đến lượng vỏ không cân bằng). Phí CIC (Container Imbalance Charge) thường chỉ xuất hiện ở hàng nhập từ các nước châu Á về Việt Nam.

9. Một số loại phí khác

Một số loại phí khác trong vận tải đường biển nguyên container (FCL) như:

– Maintenance fee: phí bảo trì container. Thường áp dụng đối với hàng nặng

– Handing fee: phí xử lý hàng hóa. Thường đươc forwarder thu đối với hàng nhập khẩu

– Late payment: hãng tàu sẽ thu khoản phí thanh toán chậm nếu chủ hàng không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo đúng thời gian quy định

– B/L amendment fee: phí này được áp dụng cho hàng xuất, khi mà chủ hàng yêu cầu sửa vận đơn sau thời hạn deadline.

Phí local charges đối với hàng LCL

LCL (viết tắt của Less than Container Load) là phương thức vận tải biển được áp dụng khi lượng hàng hóa không đủ để đóng hết một container, cần phải ghép nhiều chủ hàng với nhau. Việc gom nhiều chủ hàng đóng chung container được gọi là đóng hàng consol, đơn vị đóng consol được gọi là consolidator.

Đối với hàng LCL, local charges sẽ có một số chi phí như sau:

1. Phí THC (Phí cầu cảng)

Cũng giống như hàng FCL, hàng LCL cũng có phí THC. Chỉ khác là phí THC trong hàng LCL thấp hơn nhiều so với hàng FCL, và được tính theo số cbm.

Cùng với phí CFS dưới đây, phí THC là phí cố định trong local charges hàng LCL. Do đó, chủ hàng cần nắm rõ phí này để tránh trường hợp chi phí phát sinh bất thường.

2. Phí CFS

CFS là viết tắt của (Container Freight Station). Đây là loại phí đặc thù chỉ có hàng lẻ LCL mới có. Để khai thác được hàng lẻ, consolidator bắt buộc phải thuê kho có chức năng CFS để có thể tập kết hàng hóa, đóng hàng vào container tại đây. Kho CFS giống như là điểm nối dài của cửa khẩu, luôn có sự giám sát của hải quan trong quá trình giao nhận. Các consolidator phải trả phí thuế kho CFS này và sẽ thu lại của khách hàng.

3. Phí CIC

Hàng LCL cũng có phí CIC giống như hàng FCL. Điểm khác biệt là hàng FCL thường chỉ có tuyến nhập khẩu từ châu Á về mới có CIC, thì hàng LCL luôn có phí CIC trong biểu phí. Bởi hầu hết hàng hóa nhập khẩu, trước khi về Việt Nam sẽ chuyển tải qua 1 số cảng ở châu Á khác: Hongkong, Singapore, Port Klang,… Do đó, phí CIC cũng là mặc định trong phương thức LCL.

4. Phí DO

Tương tự như hàng FCL, hàng nhập LCL cũng có phí phát lệnh (DO-Delivery Order). Chủ hàng sẽ đến nhận DO từ văn phòng của consolidator, sau đó ra kho CFS để lấy hàng.

5. Phí GRI

GRI, viết tắt của General Rate Increase, là Phụ phí cước vận chuyển tăng. Phí GRI chỉ mang tính chất thời điểm, thường chỉ vào mùa cao điểm và không cố định.

6. Phí LSS

LSS, viết tắt của Low Sulphur Surcharge, là phụ phí giảm thải lưu huỳnh được hãng tàu áp dụng. Phí này được áp dụng bởi các hãng vận tải phải tuân thủ theo quy định của IMO về việc cắt giảm hàm lượng lưu huỳnh, có hại cho môi trường. Trong hàng FCL cũng có phí này, nhưng thường sẽ được cộng trực tiếp vào cước biển giống như là một surcharge.

Đại lý XNK-tư vấn, hỗ trợ vận tải, xuất nhập khẩu

Bất cứ khi nào quý khách hàng có nhu cầu, hãy liên hệ với chúng tôi ngay để được tư vấn và hỗ trợ thủ tục xuất nhập khẩu, cũng như dịch vụ vận tải, giao nhận. Là đối tác đồng hành lâu năm của nhiều doanh nghiệp, chúng tôi tự tin sẽ đem tới giải pháp toàn diện nhất cho khách hàng về việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *